Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của việc biến đổi khí hậu. Thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên gây ra hàng trăm vụ tai nạn thương tâm. Chỉ tính riêng năm 2015, nước ta đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn trên biển, làm chết và mất tích 352 người; chìm, hỏng 517 phương tiện (tăng 11,14% so với năm 2014), gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển là yêu cầu cấp thiết.
Cảnh sát biển Vùng 2 cứu nạn trên biển miền Trung. (Ảnh: qdnd.vn)
Lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển (cả chuyên trách, bán chuyên trách và lực lượng rộng rãi), gồm: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Không quân, Hàng hải,… và các lực lượng khác. Về mặt tổ chức, Nhà nước đã thành lập Ủy ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu hộ, Cứu nạn; Trung tâm ứng cứu sự cố tràn dầu (trên cả 3 vùng: Bắc, Trung, Nam) cùng các cơ quan cứu hộ, cứu nạn của Quân đội, ngành Hàng hải và các địa phương ven biển, v.v. Trong đó, riêng nguồn lực tham gia hoạt động này của ngành Hàng hải bao gồm: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam; các cảng vụ hàng hải; hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam; hệ thống giám sát thống nhất tàu thuyền hoạt động trên biển, v.v. Nhờ đó, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển từng bước được tổ chức chặt chẽ, chỉ đạo, điều hành khoa học, hoạt động có nền nếp, bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, mặc dù thiên tai trên biển liên tiếp diễn ra, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, các lực lượng đã tổ chức tìm kiếm cứu nạn thành công 471/640 vụ, đạt tỷ lệ 73,59%; cứu được 2.842/3.187 người, đạt tỷ lệ 89,71%, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
ROV của VideoRay trong dự án cứu hộ tàu Costa Concordia 2012
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ cho công tác này còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển còn thấp, chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.